Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, mục tiêu của lãnh đạo Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT là phấn đấu từ 1/1/2015 sẽ triển khai hoạt động theo mô hình mới trong Đề án Tái cơ cấu VNPT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ 1/1/2015 sẽ hoạt động theo mô hình mới
Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 – 2015.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 888 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 – 2015.
“Điều 1 của Đề án khẳng định “Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014 – 2015”, nghĩa là từ nay đến 2015 sẽ phải hoàn chỉnh tất cả các nội dung trong Đề án để triển khai. Mục tiêu của lãnh đạo Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT là phấn đấu hoàn thành tất cả các nội dung trong năm 2014 để từ 1/1/2015 thực hiện triển khai hoạt động của VNPT theo mô hình mới, phấn đấu đến 31/12/2015 thì hoàn thành Đề án tái cơ cấu”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ.
Theo Đề án Tái cơ cấu VNPT, sẽ điều chuyển nguyên trạng 3 đơn vị gồm Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Công ty MobiFone (VMS), Bưu điện Trung ương về chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ TT&TT. Điều chuyển 3 đơn vị y tế và các trường Trung học Bưu chính viễn thông – CNTT Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên về địa phương.
Đồng thời sẽ sắp xếp lại phần còn lại của VNPT theo hướng: Các đơn vị kinh doanh, quản lý viễn thông của VNPT sẽ trở thành công ty TNHH 1 thành viên Dịch vụ viễn thông VNPT-VinaPhone để quản lý và kinh doanh dịch vụ viễn thông. Tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận quản lý, kinh doanh phần mềm, giá trị gia tăng thành VNPT-Media. Tổ chức các công ty hạ tầng mạng viễn thông trở thành Công ty TNHH 1 thành viên VNPT-Net. Tổ chức lại Công ty TNHH 1 thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông VNPT-Technology thành công ty con của VNPT, phát triển kinh doanh sản phẩm phần cứng, phần mềm, công nghiệp CNTT. Sắp xếp lại Công ty TNHH 1 thành viên Tài chính Bưu điện trên cơ sở hiện trạng kinh doanh khó khăn, có thể tính phương án thoái vốn hoặc phá sản.
Đáng chú ý, 63 đơn vị viễn thông tỉnh thành sẽ trở thành chi nhánh của VNPT, quản lý khai thác mạng ngoại vi, thiết bị đầu cuối tại các điểm dịch vụ công cộng, kinh doanh hàng hóa theo hợp đồng giữa các bên (không hoạt động theo mệnh lệnh hành chính như trước mà kinh doanh bằng hợp đồng kinh tế).
Việc cơ cấu lại Tập đoàn VNPT được thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, không chỉ ở 78 công ty, đơn vị trực thuộc mà ngay cả 18 Ban của Tập đoàn. Sẽ đưa nhiều nhiệm vụ ở các Ban xuống các đơn vị nhằm đảm bảo tập đoàn gọn nhẹ, tập trung một số nhiệm vụ chính gồm nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường và mạng lưới; tổ chức thực hiện công tác cán bộ, đào tạo nhân lực; đầu tư tài chính; tổ chức tập đoàn thực hiện nhiệm vụ pháp chế, hợp tác quốc tế, thanh tra kiểm tra, khen thưởng…
Nội dung Đề án Tái cơ cấu VNPT mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cơ bản đã giống như mong muốn của Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT |
Phải đi đầu về nội địa hóa sản phẩm thay thế hàng ngoại nhập
Chia sẻ thêm về việc nghiên cứu, xây dựng Đề án Tái cơ cấu VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Quan điểm của Chính phủ là VNPT sẽ tập trung phát triển dịch vụ di động, dịch vụ băng rộng, tạo sự đột phá trong kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng CNTT, lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển bền vững trên nguyên tắc cân đối hài hòa 3 yếu tố gồm khách hàng – người lao động – hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, đổi mới thương hiệu VNPT, coi văn hóa VNPT là nền tảng để chuyển tải thương hiệu VNPT tới khách hàng. Chính phủ khẳng định VNPT là thương hiệu quốc gia nên dù mảng bưu chính đã được tách ra song vẫn giữ tên cũ là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
VNPT cần phấn đấu đạt mục tiêu trở thành tập đoàn viễn thông – CNTT hàng đầu quốc gia, cung cấp đa dạng, đồng bộ giải pháp dịch vụ CNTT-TT với chất lượng cao, giá thành hợp lý, trên cơ sở cạnh tranh theo đúng yêu cầu đa dạng của cuộc sống và người tiêu dùng. VNPT sẽ phát triển kinh doanh các nhóm loại hình gồm: dịch vụ di động, băng rộng, cố định, dịch vụ giá trị gia tăng CNTT, dịch vụ truyền thông, công nghiệp viễn thông, CNTT… VNPT cần giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam, góp phần hình thành thị trường viễn thông bền vững, có sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Đặc biệt, VNPT cần đặc biệt quan tâm tới việc phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử. VNPT phải làm sao để trở thành 1 trong những tập đoàn đi đầu, từng bước nội địa hóa các thiết bị viễn thông, điện tử, CNTT, thay thế hàng ngoại nhập, tiến tới có nền công nghiệp CNTT tự chủ. Viettel đã sản xuất nhiều thiết bị đầu cuối, điện thoại, máy vô tuyến điện phục vụ quân đội, dân sinh. Với thế mạnh tiềm năng của mình, VNPT cũng cần phải làm tốt hơn nữa việc này trong thời gian tới. Bản thân VNPT vừa phải quan tâm đầu tư vừa là khách hàng đặt hàng đầu tiên các sản phẩm do đơn vị thành viên của mình sản xuất ra. Sản phẩm phải có chất lượng, giá cạnh tranh để VNPT đặt hàng, sau đó lan tỏa trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, vì VNPT là tập đoàn lớn, có vai trò quan trọng với sự phát triển đất nước, đặc biệt là ngành CNTT- viễn thông nên tập thể Chính phủ đã xem xét rất thận trọng Đề án tái cơ cấu VNPT trong khoảng 6 tháng. Quá trình phê duyệt Đề án dù chậm hơn so với mong muốn của Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT, nhưng cơ bản nội dung trong Đề án cũng như mong muốn.
“Chúng ta vẫn giữ được 2 mạng viễn thông để phát triển, giữ được thương hiệu. Những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, những ngành nghề chính đều được giữ vững và có điều kiện phát triển trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ.